Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung
Ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và qui định trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới, là đạo luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn mới.
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn Tỉnh Long An đã tổ chức triển khai, quán triệt, tập huấn những nội dung mới cơ bản của Bộ luật TTHS kịp thời, hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã mời các giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, Học viện tư pháp báo cáo những điểm mới của Bộ luật TTHS bằng hình thức trực tuyến đến 15 điểm cầu cấp huyện cho toàn thể cán bộ có chức danh tư pháp trong toàn tỉnh. Qua đó, tạo thuận lợi cho các cơ quan, người tiến hành tố tụng nhận thức một cách sâu sắc để vận dụng đúng đắn, thống nhất nội dung của các Luật, nghị quyết.
Tuy nhiên qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, người tiến hành tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh nhận thấy còn có những vướng mắc, bất cập trong các qui định của Bộ luật TTHS; trong thực hiện Bộ luật TTHS cần phải được sửa đổi hoặc có hướng dẫn của Liên ngành tư pháp Trung ương để thực hiện thống nhất.
Những vướng mắc, bất cập trong các qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ở các chương, điều luật như sau
Chương II: Những nguyên tắc cơ bản
Điều 15 Xác định sự thật của vụ án: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Khó khăn, vướng mắc thực hiện điều luật này chủ yếu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm trong việc đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Chương IV: Người tham gia tố tụng
Điều 55 người tham gia tố tụng: Việc xác định tư cách người tham gia tố tụng của ĐTV, KSV được Tòa án triệu tập tại phiên tòa, còn có ý kiến khác nhau; thực tiễn tòa án xác định là người tham gia tố tụng khác, nhưng chưa có Nghị quyết hướng dẫn.
Điều 62 bị hại: Theo quy định tại khoản 5 chỉ có người đại diện của bị hại trong trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ mới được quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bị hại. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị hại là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định tại Điều 23 BLDS năm 2015 thì BLTTHS không quy định phải có người đại diện cho họ để thực hiện quyền và nghĩa vụ thay. Một khi bị hại đã không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự, thể là giảm sút trí nhớ, khả năng diễn đạt ý chí do tuổi tác, bệnh tật, tai nạn; đó cũng có thể là tình trạng khuyết tật về thể chất, ví dụ như câm, điếc,… dẫn đến sự khó khăn trong việc hoàn thiện khả năng nhận thức thì cũng được coi là người có nhược điểm về tâm thần, thể chất và cần thiết phải có người đại diện cho bị hại thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại một cách tốt nhất.
Chương V: Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Điều 77 thay đổi hoặc từ chối người bào chữa: Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa giữa bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ theo ý kiến của ai? Vấn đề này đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau và các Cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương áp dụng cũng không giống nhau.
Chương VI: Chứng cứ và chứng minh
Điều 88 thu thập chứng cứ: Chưa quy định cụ thể các tài liệu, chứng cứ nào VKS phải đóng dấu bút lục. Việc đóng bút lục kiểm sát đối với tài liệu cơ quan điều tra thu thập chưa được quy định trong Quy chế, Kiểm sát viên còn lúng túng trong thao tác nhận, đánh giá tính hợp pháp và xử lý khi phát hiện vị phạm.
Chương VII: Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
Điều 113 bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Đối với các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh đều được xác định rõ thời hạn trong các điều luật tương ứng và theo nguyên tắc không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án tùy theo từng loại tội phạm và trong từng giai đoạn tố tụng. Đối với biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, hiện còn vướng mắc về thời hạn trong một số trường hợp cụ thể do chưa có điều luật quy định cụ thể, rõ ràng, dẫn đến còn có quan điểm nhận thức và áp dụng khác nhau. Cụ thể là: Bắt bị can để tạm giam theo quy định tại Điều 113 BLTTHS, trong lệnh bắt được tính từ ngày bắt được bị can. Như vậy, nếu trường hợp CQĐT không bắt được bị can liền mà phải đến 5-10 ngày sau mới bắt được thì thời hạn tạm giam lúc này đã vượt quá thời hạn điều tra.
Điều 125 hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn: Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp ngăn chặn “khi thấy không còn cần thiết” hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Điều 21 Quy chế 111 ngày 17/4/2020, quy định về Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn, điểm b khoản 3 có quy định, trường hợp chưa hết thời hạn gia hạn tạm giữ mà cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và “xét thấy không cần thiết tạm giữ” thì căn cứ khoản 2 Điều 125 BLTTHS, VKS yêu cầu Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ biện pháp tạm giữ; nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì VKS yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện, nếu cơ quan điều tra không thực hiện thì VKS thực hiện.
Điều 127 áp giải, dẫn giải: Bị hại từ chối giám định, không phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan để giám định. Có nhiều trường hợp bị hại trong các vụ án xâm phạm về nhân thân, sức khỏe vì các lý do khác nhau mà họ đã từ chối giám định tỷ lệ thương tích. Để có căn cứ giải quyết vụ, việc, cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định dẫn giải bị hại. Tuy nhiên hiện nay chưa quy định trình tự, thủ tục dẫn giải.
Chương IX: Khởi tố vụ án hình sự
Điều 146 thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Tại khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 9 thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi tắt TTLT số: 01/2017) quy định thời hạn 24 giờ CQĐT phải phân loại kể từ khi tiếp nhận và trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được …CQĐT phải trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công ĐTV, Cán bộ điều tra… Quy định thời gian rất ngắn cơ quan tiếp nhận nguồn tin (Công an xã, thị trấn, CQĐT) phân loại xử lý và giải quyết không đủ thời gian để thực hiện. Cần có hướng dẫn cụ thể khoản 2 Điều 146 BLTTHS. Vì hiện nay đa số các tin báo thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại đùn đẩy để cấp huyện thụ lý, làm rõ, khởi tố vụ án rồi mới chuyển điều tra theo thẩm quyền.
Điều 155 khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại: Điều luật chỉ quy định các tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.. có cả tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên tội phạm xâm phạm về sở hữu thì không có quy định này, mặc dù sức khỏe và tính mạng của con người là vốn quý nhất khi bị xâm phạm có thể vẫn không bị xử lý.
Chương X: Những qui định chung về điều tra vụ án hình sự
Điều 163 thẩm quyền điều tra: “Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra” và theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS về thẩm quyền xét xử, trong đó Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với “Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài”.Tuy nhiên, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao, về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ (viết tắt là Công văn 81), cụ thể về thẩm quyền xét xử nêu rõ: “Đối với vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự là người nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài thì thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án cấp tỉnh”.
Thẩm quyền điều tra liên quan đến cơ quan An ninh điều tra: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh “Tiến hành Điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;tiến hành Điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an”. Trường hợp trong 01 vụ án, hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành hai tội độc lập, trong đó có 01 tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, 01 tội không thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp này Cơ quan An ninh điều tra có được giải quyết toàn bộ vụ án đối với 02 tội độc lập hay phải ra quyết định tách vụ án để giải quyết hai vụ án riêng theo đúng thẩm quyền.
Trường hợp Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh thụ lý, xác minh nguồn tin không thuộc thẩm quyền nhưng theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, sau đó ra quyết định khởi tố vụ án khi chưa có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an về thẩm quyền giải quyết. Như vậy, tài liệu được thu thập từ ngày khởi tố vụ án cho đến ngày Bộ trưởng Bộ Công an có văn bản đồng ý thì có được xem là chứng cứ không.
Khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định về phân cấp thẩm quyền điều tra rất cụ thể rõ ràng đối với CQĐT các cấp…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định phân cấp về thẩm quyền điều tra có khó khăn vướng mắc, cụ thể: tội phạm xảy ra trên nhiều huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc khác tỉnh hoặc có yếu tố nước ngoài thì thuộc thẩm quyền CQĐT cấp tỉnh nếu xét thấy “cần thiết”. Nếu cơ quan điều tra cấp tỉnh khởi tố thì tiến hành điều tra và kết thúc điều tra, đề nghị VKS tỉnh truy tố là phù hợp, sau đó VKS tỉnh phân công cho VKS cấp huyện thực hành quyền công tố và KSXX là phù hợp (nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện), nhưng thực tiễn hầu hết những trường hợp này CQĐT cấp tỉnh khởi tố sau đó chuyển cho CQĐT cấp huyện điều tra, nhiều vụ sắp hết thời hạn điều tra mới chuyển cho cấp huyện, gây khó khăn cho cấp huyện dẫn đến án phải trả ĐTBS.
Đối với vụ án có yếu tố nước ngoài, thì quy định chưa thống nhất với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS quy định về thẩm quyền xét xử của Toà án “Vụ án có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài” thì thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh. Như vậy, vụ án có yếu tố nước ngoài là như thế nào, có đồng nhất với vụ án có bị can, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài hay không?
Điều 173 thời hạn tạm giam để điều tra: Chưa quy định “Trường hợp bị can đã bị tạm giam hết thời hạn tối đa, được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, sau đó bỏ trốn”. Vậy khi bắt được bị can có được tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam nữa hay không, thời hạn là bao lâu?
Chương XI: Khởi tố bị can và hỏi cung bị can
Điều 179 khởi tố bị can: Khi thực hiện khoản 5 Điều 179 gặp nhiều khó khăn. Khi bị can là người già yếu, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà họ không hợp tác dẫn đến không giao được các Quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, giải thích quyền và nghĩa vụ; chụp ảnh lập danh chỉ bản để đưa vào hồ sơ vụ án và cũng như quá trình tố tụng tiếp theo đối với bị can trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Điều 183 hỏi cung bị can: Khoản 1 quy định “…Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên….thời gian, địa điểm hỏi cung…Khi xét thấy cần thiết Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung”. Khó khăn việc thông báo của ĐTV bằng văn bản hay hình thức khác (gọi điện); thực tiễn ĐTV và KSV đổ lỗi tránh nhiệm trong trường hợp không có thông báo bằng Văn bản; như thế nào KSV xét thấy cần thiết. Khoản 6 quy định việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can. Tuy nhiên hiện nay tại cơ sở giam giữ cấp huyện chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị ghi âm, ghi hình dẫn đến chưa thực hiện đúng như quy định pháp luật.
Chương XV: Giám định và định giá tài sản
Điều 214 quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định: Khó khăn việc thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan; Thông báo bằng văn bản hay hình thức khác (ĐTV thông báo trong việc hỏi cung bị can, lấy lời khai bị hại, người tham gia tố tụng khác và ghi rõ trong biên bản).
Điều 222 quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản: Thông báo bằng văn bản hay hình thức khác (ĐTV thông báo trong việc hỏi cung bị can, lấy lời khai bị hại, người tham gia tố tụng khác và ghi rõ trong biên bản).
Chương XVII: Tạm đình chỉ điều tra và kết thúc điều tra
Điều 229 tạm đình chỉ điều tra: Khi có một trong các căn cứ mà điều luật quy định và hết thời hạn điều tra thì CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, do điều luật không quy định hết thời hạn điều tra là hết tất cả thời hạn bao gồm cả gia hạn điều tra hay chỉ cần hết thời hạn điều tra là đã ra quyết định đình chỉ nên gây khó khăn cho cơ quan áp dụng quy định này.
Chương XX: Những qui định chung
Điều 255 quyết định đưa vụ án ra xét xử: Khi ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ nêu “Tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo”. Trong trường hợp hành vi của bị can, bị cáo thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, Quyết định đưa vụ án ra xét xử có phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và tội danh, điều, khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử đối với bị cáo không thì Điều 255 BLTTHS năm 2015 không quy định là thiếu sót và không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015.
Chương XXI: Xét xử sơ thẩm
Điều 293 sự có mặt của người làm chứng: Khoản 1 quy định “Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó”. Tại khoản 1 Điều 308 BLTTHS năm 2015 (Mục V thủ tục tranh tụng tại phiên tòa) quy định về công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố: “Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Theo đó, nếu người được xét hỏi vắng mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên sẽ được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố tại phiên tòa. Đồng thời, thuật ngữ “người được xét hỏi tại phiên tòa” đã bao gồm cả người làm chứng. Tuy nhiên, quy định chung về thủ tục tại phiên tòa (khoản 1 Điều 293) với quy định riêng về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (khoản 1 Điều 308) lại có sự phân biệt về người có thẩm quyền công bố lời khai là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa với HĐXX (có thể bao gồm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân) và Kiểm sát viên là chưa hợp lý, dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn cho các Tòa án địa phương trong quá trình áp dụng.
Tin khác
- Các giá trị cốt lõi của cán bộ, đảng viên cần tiếp tục rèn luyện, phát huy trong giai đoạn hiện nay
- Vướng mắc trong xử lý tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
- Cần áp dụng chính xác điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự
- Cảnh báo nguy cơ mất nhà, đất vì hợp đồng “giả cách”
- Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung (phần cuối)
- Một số kết quả công tác giám định tư pháp trên lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, tài chính
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung (tiếp theo)
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực