Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung (phần cuối)

10/11/2021 02:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ
Bài 3. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Từ những khó khăn, vướng mắc một số Điều của Bộ luật TTHS năm 2015 và qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc tư pháp tiến bộ đã được Hiến định kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS như sau:

Về sửa đổi, bổ sung các qui định của Bộ luật

Điều 15 xác định sự thật của vụ án: Bổ sung chế định quy định trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa làm hết trách nhiệm trong việc xác định sự thật của vụ án hoặc vì lý do sợ trách nhiệm mà phải trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ và trái pháp luật.

Điều 55 người tham gia tố tụng: Bổ sung người tham gia tố tụng của ĐTV, KSV được Tòa án triệu tập tại phiên tòa là người đại diện cơ quan thụ lý án.

Điều 113 bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Bổ sung và quy định chi tiết về trường hợp bắt bị can để tạm giam thời hạn cụ thể để không phải quá thời hạn điều tra.

Khoản 2 Điều 125 hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn: Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết “khi thấy không còn cần thiết”, “xét thấy không cần thiết tạm giữ”, kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp nào là cần thiết để áp dụng thống nhất.

Điều 146 thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Sửa đổi thời hạn tiếp nhận và phân loại thụ lý nguồn tin về tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 145 và khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cụ thể quy định thời hạn tiếp nhận để phân loại là 05 ngày và trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được nguồn tin CQĐT phải trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công ĐTV, Cán bộ điều tra… Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo hồ sơ về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Điều 160 nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguốn tin về tội phạm: Bổ sung thêm “Công an cấp xã”, cụ thể  “Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, Công an cấp xã, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm”. Đồng thời, bổ sung quy định về “đình chỉ giải quyết nguồn tin” khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 163 thẩm quyền điều tra: Hướng dẫn về thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong trường hợp 02 tội độc lập thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan khác nhau trong cùng một vụ án và tính hợp pháp của các tài liệu do Cơ quan An ninh điều tra thu thập trong thời gian chờ ý kiến của Bộ trưởng. Cần có Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền điều tra theo khoản Khoản 5 Điều 163 để thực hiện thống nhất và phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 quy định về thẩm quyền xét xử của Toà án. Để bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án được kịp thời, tránh việc chuyển hồ sơ qua lại giữa hai cấp và trong khi chờ văn bản hướng dẫn của các ngành Trung ương, liên ngành cấp tỉnh thống nhất tạm thời hiện nay vẫn áp dụng Công văn 81 của Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài.

Điều 170 nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra: Bổ sung quy định trường hợp nhập vụ án trên hai địa bàn cấp tỉnh khác nhau theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Điều 172 thời hạn điều tra: Bổ sung thời hạn điều tra trong trường hợp tách vụ án; tách bị can để điều tra.

Điều 229 tạm đình chỉ điều tra: Cần quy định cụ thể thời điểm hết thời hạn điều tra để tạm đình chỉ là bao gồm đã gia hạn thời hạn điều tra hay chỉ cần hết thời hạn mà không cần gia hạn.

Điều 240 thời hạn quyết định việc truy tố: Quy định về thời hạn tống đạt các văn bản tố tụng dài hơn để thuận tiện cho Cơ quan tiến hành tố tụng và kinh phí trong trường hợp các đối tượng nhận văn bản ở nhiều địa phương khác nhau.

Khoản 1 Điều 293 sự có mặt của người làm chứng: Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì tiến hành công bố những lời khai đó theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này. Vì vậy, đề nghị bổ sung “Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”.

Điều 419 áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi: Bổ sung điều kiện áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội trong trường hợp họ không có nơi ở rõ ràng, phạm tội mới. Cần có Thông tư liên tịch hướng dẫn trường hợp nào thật sự là cần thiết, tránh ý chí chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Điều 450 quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố đối với thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh: Sửa đổi quy định trong trường chưa có kết quả giám định nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố cho phù hợp với quy định tại Điều 247 Bộ luật TTHS năm 2015.

Về tổ chức thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự

Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật TTHS theo hướng nêu trên; đồng thời kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương và các bộ, ngành có liên quan pháp điển hóa nội dung các hướng dẫn, giải đáp khó khăn vướng mắc việc áp dụng Bộ luật TTHS, BLHS trong thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự và thực tiễn xét xử án hình sự của VKSND tối cao, TAND tối cao tại các văn công văn hướng dẫn giải đáp khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của VKSND tối cao về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ THQCT, kiểm sát việc giải quyết án hình sự; Công văn số 3395/VKSTC-V14 ngày 31/7/2019 của VKSND tối cao về việc trả lời kiến nghị, đề xuất của VKS các cấp; Công văn số 3544/VKSTC-V14 ngày 07/8/2019 của VKSND tối cao về việc trả lời thỉnh thị vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự; Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của VKSND tối cao về giải đáp khó khăn vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS và thi hành án hình sự. Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017; Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thành Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật TTHS, BLHS để thống nhất việc áp dụng pháp luật trong giải quyết án hình sự.

Các ngành tư pháp ở Trung ương cần xem xét đánh giá yêu cầu khối lượng công việc, có giải pháp phân bổ chỉ tiêu biên chế cho từng đơn vị theo lượng án phát sinh để tránh tình trạng nơi xảy ra ít việc nhưng biên chế bằng so với nơi lượng án phát sinh nhiều, nơi nhiều án nhưng ít biên chế dẫn đến vi phạm thiếu sót.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, biên chế đáp ứng yêu cầu của Bộ luật TTHS. Ngoài việc trang cấp thiết bị còn phải có tập huấn về công tác triển khai thi hành số hóa hồ sơ vụ án, ghi âm, ghi hình, lưu trữ và trình chiếu các chứng cứ.

Võ Thành Đủ
Warning

Warning

No content found for: ‭bnctulibrary/bnctusite/hinhanhlienket/bannerrightbottom‭

 
Liên kết website