Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung (tiếp theo)
Trong quá trình thực hiện ngoài những khó khăn, vướng mắc từ các qui định của Bộ luật TTHS, trong thi hành các cơ quan tiến hành tố tụng còn có những khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn như:
Khoản 1 Điều 111 quy định Bắt người phạm tội quả tang (tên điều luật đã xác định người bị bắt đã cấu thành tội phạm), tuy nhiên trong thực tế có những trường hợp bắt người phạm tội quả tang do trộm nóng xe mô tô, qua quá trình truy đuổi lực lượng Công an bắt được đối tượng ở địa phương khác. Trường hợp này lập biên bản phạm tội quả tang thực hiện ở đâu? Trong khi quy định biên bản phạm tội quả tang phải được lập ngay nơi xảy ra tội phạm? Hoặc trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang đưa vào tạm giữ, gia hạn tạm giữ để thẩm tra xác minh lý lịch, nhân thân người bị bắt, định giá tài sản bị chiếm đoạt…Nhưng qua xác minh thì đối tượng chưa có tiền án, tiền sự, tài sản chiếm đoạt không đủ định lượng, nên không cấu thành tội phạm. Trường hợp này phải trả tự do cho đối tượng ngay. Trong khi đó Cơ quan Công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, do đó cần thay đổi tên điều luật này cho chính xác “bắt người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang” và trường hợp này cần phải được tạm giữ hành chính để tránh oan sai (tạm giữ hình sự, nhưng xử phạt hành chính).
Khoản 4 Điều 123 quy định về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, trong thời gian chờ đi chấp hành án) và khoản 1 Điều 125 về Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Vậy ở mỗi giai đoạn tố tụng thì các cơ quan THTT phải ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho thời gian giải quyết án của mình, lệnh của giai đoạn trước đương nhiên sẽ hết hiệu lực hay là vẫn sử dụng như Lệnh tạm giam (Có hướng dẫn). Khi hết thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đương nhiên hết hiệu lực hay phải có quyết định hủy bỏ? Cơ quan nào ra quyết định hủy bỏ?
Khoản 4 Điều 128 về kê biên tài sản: Điểm a quy định khi kê biên tài sản phải có mặt bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo. Nếu không có hoặc họ không hợp tác thì thực hiện thế nào? Không quy định trường hợp có tranh chấp tài sản bị kê biên, phong tỏa tài khoản thì giải quyết thế nào?
Khoản 3 Điều 146 quy định công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận, chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, tuy nhiên khoản 2 Điều 160 chỉ quy định Viện kiểm sát có quyền trực tiếp kiểm sát Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; đối với Công an cấp xã không quy định. Khoản 5 Điều 146 quy định sau khi tiếp nhận nguồn tin, Cơ quan điều tra thông báo tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát, không quy định việc chuyển hồ sơ ban đầu, gây khó khăn cho việc kiểm sát thụ lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định Viện kiểm sát có quyền trực tiếp kiểm sát.
Điểm b khoản 1 Điều 148 quy định căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin chưa cụ thể, gây khó khăn trong việc áp dụng; điều kiện để tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin còn hẹp, chưa phù hợp với thực tiễn công tác. Một số vụ việc người bị tố giác cố tình trốn tránh hoặc đã rời khỏi nơi cư trú, nơi làm việc, Cơ quan điều tra không thể triệu tập để lấy lời khai (ví dụ như đối với tố giác về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,…), vì vậy chưa đủ cơ sở để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án cũng không thuộc trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 148. Đây là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Đối với những tin báo tạm đình chỉ, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định về “Đình chỉ giải quyết nguồn tin”, gây khó khăn trong việc xử lý nguồn tin tạm đình chỉ.
Khoản 1 Điều 170, khoản 1 Điều 242 quy định nhập vụ án để tiến hành điều tra, truy tố: Điểm c chỉ quy định nhập trong trường hợp nhiều bị can cùng thực hiện 01 tội phạm hoặc cùng với bị can còn có người khác che dấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nhưng không quy định các trường hợp khác hành vi phạm tội có liên quan mật thiết, cần phải nhập vụ án để điều tra xử lý một cách toàn diện, đúng tính chất, mức độ....như: Khi điều tra các tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông... nếu có phát sinh các vụ án về các tội như Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông..., Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông....không đảm bảo an toàn, Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông...; khi điều tra Tội tổ chức đua xe trái phép và Tội đua xe trái phép; Tội đưa hối lộ, Tội nhận hối lộ và Tội môi giới hối lộ....
Điều 235 và Điều 249 về phục hồi điều tra và phục hồi vụ án: Quy định nếu vụ án được đình chỉ theo khoản 5 Điều 157 mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì CQĐT (hoặc VKS) ra quyết định phục hồi điều tra (hoặc phục hồi vụ án) là không phù hợp. Vì quy định phục hồi điều tra (hoặc phục hồi vụ án) nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Khoản 5 Điều 157 cũng quy định không khởi tố vụ án khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy theo quy định tại Điều 235, 249 thì khi phục hồi điều tra (vụ án) thì có truy cứu TNHS bị can? Vụ án sẽ giải quyết thế nào?...
Khoản 1 Điều 290 quy định nếu bị cáo trốn thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu CQĐT truy nã bị cáo. Điểm a khoản 2 Điều 209 thì quy định Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả. Vậy hiểu việc truy nã trong thời hạn bao lâu, hay việc truy nã như thế nào thì được xem là không có kết quả?
Điều 291 quy định về sự có mặt của người bào chữa tại phiên tòa, trong đó có quy định nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Song có trường hợp đến giờ mở phiên tòa xét xử, người bào chữa bị bệnh hoặc tai nạn đến mức không thể liên lạc báo vắng mặt với Tòa án, Tòa án không biết được lý do và cho rằng người bào chữa vắng mặt không lý do nên đưa vụ án ra xét xử. Sau khi xét xử xong vụ án thì mới biết lý do người bào chữa vắng mặt là bất khả kháng hay trở ngại khách quan, thì có xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng để hủy án hay không?
Khoản 3 Điều 298 quy định giới hạn của việc xét xử: Trường hợp thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại….nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Đây là quy định phù hợp thực tiễn, rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án. Song về lý luận thì vô hình Tòa án lại trở thành cơ quan buộc tội. Đồng thời tại phiên tòa sẽ có mâu thuẫn về tố tụng, Tòa án thì kết tội bị cáo theo tội danh nặng hơn (không trên cơ sở luận tội của KSV), trong khi Kiểm sát viên thì buộc tội và đề nghị hình phạt, các biện pháp tư pháp ở tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố theo Điều 321 Bộ luật TTHS.
Khoản 4 Điều 258 quy định Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên tòa, có quyền ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận. Thực tế cho thấy sau khi tuyên án thì Thư ký khó thực hiện, hoàn thiện biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên toà, rất khó kiểm tra… Vì vậy, Bộ luật cần phải quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.
Vướng mắc về thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, thẩm quyền điều tra các vụ án về “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự thuộc về Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; theo quy định tại Điều 268 Bộ luật TTHS, Tòa án cấp huyện có quyền xét xử các tội quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 305 Bộ luật Hình sự.
Việc ban hành bản án, các quyết định của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tại phiên tòa sơ thẩm được xét xử theo thủ tục rút gọn chưa được quy định cụ thể. Chương XXXI Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định về nội dung bản án, các quyết định có thể tuyên tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm nên về nguyên tắc, bản án, các quyết định khác được ban hành theo thủ tục chung. Đối với phiên tòa sơ thẩm, theo các khoản 1, 2 Điều 299 và Điều 260 bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm phải trình bày nhiều nội dung. Trong khi đó, theo quy định phiên tòa hình sự giải quyết theo thủ tục rút gọn không có giai đoạn nghị án và không có thủ tục để Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa có thời gian xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ và chuẩn bị bản án và các quyết định khác.
Vướng mắc trong việc tổ chức phiên tòa hình sự của Tòa án: Bộ luật TTHS năm 2015 chưa quy định về việc tổ chức phiên tòa hình sự: Toà án thực hiện Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Toà án nhân dân tối cao “Quy định về phòng xử án”, hiện nay Toà án đã thực hiện chuyển đổi vị trí ngồi của KSV, thư ký toà án về phòng xét xử hình sự theo mô hình mới. Kiểm sát viên ngồi ngang hàng với thư ký toà án và luật sư, việc thay đổi của Toà án quy định về phiên toà xét xử hình sự, chỗ ngồi của Kiểm sát viên là chưa phù hợp, chỉ là quy định của ngành Tòa án, Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định về hình thức tổ chức một phiên tòa hình sự, vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, thư ký, luật sư… Hơn nữa mô hình tố tụng theo Bộ luật TTHS năm 2015 thuộc dạng mô hình xét hỏi, tranh tụng tố tụng, chứ không phải là tranh tụng, kiểm sát viên đại điện cho VKS thực hiện chức năng THQCT và kiểm sát hoạt động xét xử đối với phiên tòa hình sự, là người bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nên việc Toà án bố trí vị trí ngồi như trên là chưa phù hợp, đồng thời việc KSV đi vào phòng xử án như thế nào, thư ký có mời không hay vào cùng HĐXX, người tham gia tố tụng vv… Vì vậy cần có một vị trí ngồi của KSV cho phù hợp, chỉ cần quy định như trước đây và sắp xếp lại vị trí ngồi của bị cáo, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên toà và bục khai báo của người tham gia tố tụng mà vẫn đảm bảo được hình thức một phiên toà trang nghiêm phù hợp với mô hình tố tụng xét hỏi, tranh tụng.
Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức: Bộ luật TTHS chưa cụ thể hóa mang tính bắt buộc mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhất là quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS, giữa ĐTV và KSV trong hoạt động điều tra án hình sự như việc hỏi cung bị can của ĐTV trước khi hỏi cung bị can ĐTV phải thông báo cho KSV, khi xét thấy cần thiết thì KSV tham gia (Điều 183 Bộ luật TTHS). Do đó để thực hiện tốt Bộ luật TTHS thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban hành nhiều quy chế phối hợp để thực hiện nhằm kịp thời trao đổi thông tin, chủ động đề xuất trong giải quyết án hình sự.
Tin khác
- Các giá trị cốt lõi của cán bộ, đảng viên cần tiếp tục rèn luyện, phát huy trong giai đoạn hiện nay
- Vướng mắc trong xử lý tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
- Cần áp dụng chính xác điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự
- Cảnh báo nguy cơ mất nhà, đất vì hợp đồng “giả cách”
- Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung (phần cuối)
- Một số kết quả công tác giám định tư pháp trên lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, tài chính
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung (tiếp theo)
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực